QUÁ TRÌNH VÀ PHƯƠNG PHÁP TẠO TRẦM TRONG CÂY TRẦM HƯƠNG
Viewed: 972Sự tạo trầm trong tự nhiên của cây dó bầu là sự biến đổi của các phần tử gỗ do tác động bệnh lý bởi vết nứt gãy, sự xâm nhập của các loài nấm…xảy ra một cách tự nhiên năm này sang năm khác.
Khi bị nhiễm bệnh ở một vùng nào đó cây sẽ tích tụ nhựa đến đây để tự băng bó vết thương, xem như một khả năng tự đề kháng để chống lại bệnh nên tạo ra trầm kỳ.
Cây Trầm Hương lâu năm
Trong tự nhiên không phải bất kỳ thân cây dó nào cũng có trầm – kỳ, chỉ có những cây bị bệnh mới chứa trầm ở phần lõi thân. Ở phần này nếu quan sát kỹ qua kính lúp ta thấy các tế bào gỗ thoái hóa, biến dạng mất mộc tố, chứa một chất nhựa thơm (tinh dầu) biến thành những khối hình thể không đều, lồi lõm có rãnh dọc, trong trong màu sậm đó là kỳ nam. Chung quanh kỳ nam gỗ cũng biến chất ít nhiều đó là tóc. Khi đốt cháy tóc tỏa ra mùi thơm (dùng làm nhang đốt).
Trầm kỳ thường tìm thấy ở những cây dó bị bệnh sau thời gian từ 10 – 20 năm hoặc lâu hơn. Cây bị bệnh lá có màu vàng và nhỏ dần, thân cây có nhiều u bướu, xuất hiện những điểm nâu đỏ. Gỗ cây trở thành một chất bóng như đá sỏi có những nếp nhăn giống như cánh chim ưng, đó là những cây có trầm và kỳ.
Phương pháp cấy tạo Trầm
- Phương pháp vật lý (Gây vết thương cơ giới):
Đây là phương pháp tác động cơ giới vào thân cây dó - Phương pháp này chỉ là điều kiện cần cho quá trình hình thành trầm của cây - qua vết thương các loài vi sinh vật sẽ dễ xâm nhập vào trong thân cây để ký sinh. Phương pháp này rất đơn giản, dễ thực hiện nhưng xác suất thành công thấp.
- Phương pháp hóa học (Xúc tác hóa chất):
Một số hóa chất khi tiêm vào thân cây qua vết thương có tác dụng kích thích tạo trầm. Như đã trình bày ở trên, đây là loại hóa chất gì vẫn còn là điều bí mật. Phương pháp này rất hiệu quả, có thể tạo được nhiều trầm trong khoảng thời gian rất ngắn. Tuy nhiên phương pháp này có một số nhược điểm là trong sản phẩm nếu còn lại các thành phần hóa chất độc hại như Cl, SO4, NO2 và, PO3…sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và không được người tiêu dùng ưa chuộng.
- Phương pháp sinh học (Men vi sinh):
Như chúng ta đã biết, khi cây dó bị bệnh, tức là do nấm hoặc vi khuẩn ký sinh trong thân cây, cây có phản ứng đề kháng bằng cách tiết ra nhựa để cô lập vết thương, trên cơ sở đó trầm được hình thành. Phương pháp cấy tạo trầm bằng men vi sinh, thực chất chỉ là phương pháp gây bệnh cho cây bằng một loại nấm hoặc vi khuẩn nào đó đã được xác định. Hiện nay việc nghiên cứu phương pháp này đã có những kết quả rất khả quan với các ưu điểm như tỷ lệ thành công cao và không để lại dư lượng độc hại trong sản phẩm.