GỖ PƠ MU LÀ GỖ GÌ?
Viewed: 1148Gỗ Pơ mu có tên khoa học là Fokienia là một chi trong họ Hoàng đàn (Cupressaceae), còn có tên thường gọi trong dân gian là đinh hương, tô hạp hương, mạy vạc (người thiểu số ở Lào Cai), mạy long lanh (người Thái ở miền Tây Bắc và Thanh Hóa), khơ mu (Hà Tĩnh), hòng he (người Ba Na ở Gia Lai và Kon Tum).
Gỗ Pơ Mu thuộc nhóm IIA Những loại thực vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại Theo Nghị Định 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 03 năm 2006.
Đặc điểm cây gỗ Pơ Mu
- Pơ mu là cây thân gỗ lá thường xanh, cao 25–30 m. Vỏ cây màu ánh nâu-xám, khi cây còn non thường dễ bị tróc. Ở những cây già hơn, trên vỏ có các vết nứt theo chiều dọc, có mùi thơm. Lá mọc thành các cặp chéo chữ thập đối, các cặp so le không cách nhau đều đặn, trên các cây trưởng thành dài khoảng 2–5 mm; có dạng hình trứng và bị nén, còn các lá mặt có dạng mác ngược với đỉnh tam giác. Trên các cây non thì các lá lớn hơn, dài tới 8–10 mm và rộng 6 mm
Cây pơ mu chỉ mọc nhiều tại các địa hình đất đá vôi hay đất nguồn gốc granit từ độ cao 900 m trở lên, không chịu được bóng râm, và cần có khí hậu mát mẻ, nhiều mưa. Cây trồng bằng hạt trong bóng râm có lớp đất mặt sâu, ẩm, không trồng bằng chồi
- Gỗ pơ mu là một loại gỗ quý do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp cũng như trọng lượng khác thường. Đặc biệt nhờ vào đặc tính không bị mối mọt phá hoại cho nên thường được sử dụng để chế tác mĩ nghệ, các loại đồ gia dụng, dùng trong nội thất, vách ngăn, trần nhà,... trước đây người ta còn dùng gỗ pơ mu làm quan tài. Dân gian còn lưu truyền rằng gỗ pơmu có khả năng chống muỗi.
Ngoài ra gỗ pơ mu còn dùng để chiết xuất tinh dầu pơmu dùng để làm nước hoa và có tác dụng diệt khuẩn . Hỗn hợp chứa farnesol và nerolidol từ tinh dầu pơmu có tác dụng dẫn dụ côn trùng.
Do đặc tính sinh trưởng chậm, lại có nhiều công dụng quý, lượng khai thác khá nhiều nên hiện chỉ còn gặp cây pơ mu rải rác ở một số nơi xa dân hoặc trên đỉnh và sườn núi hiểm trở.
Năm 1996, cây gỗ pơ mu trở thành loài nguy cấp tại Việt Nam và được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.